Rêu đá là một trong những món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Hái rêu là một công việc vất vả, nhưng việc đập rêu, loại bỏ tạp chất còn nhọc hơn. Các đám rêu ngậm nước nhiều, khi nhấc ra khỏi mặt nước nặng trĩu tay, phải từ từ cho rêu chảy hết nước rồi bỏ vào giỏ.
Đến với xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La), vào những ngày cuối năm, khi con nước trong văn vắt, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ Thái tẳng cẩu đang hí hoáy bên bờ sông Mã, tách bỏ các tạp chất bám trên vỉa rêu vừa vớt được. Ngay trên bờ sông là những bếp than hồng với mùi thơm phưng phức tỏa ra từ món rêu đá nướng được gói lá chuối với nhiều loại gia vị đặc trưng của đồng bào người dân tộc Thái.
Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây, khi đi tìm rêu nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Khi vớt rêu, phải đứng ở dưới suối, hứng nước chảy từ trên rồi lấy tay quơ ngang nhưng chỉ được chọn những rêu non. Rêu chỉ sống trong 7 ngày, tức là khi nó mọc lên 3-4 ngày là phải vớt ngay. Nếu để quá thời gian đó, rêu sẽ chuyển màu trắng, không thể dùng làm thức ăn.
Hái rêu là một công việc vất vả, nhưng việc đập rêu, loại bỏ tạp chất còn nhọc hơn. Các đám rêu ngậm nước nhiều, khi nhấc ra khỏi mặt nước nặng trĩu tay, phải từ từ cho rêu chảy hết nước rồi bỏ vào giỏ.
Đang chăm chú nhặt từng mảng bám, sạn cát trong rổ rêu, chị Lò Thị Viên – bản Bó Bon, xã Chiềng Cang dừng tay chia sẻ: “Loại rêu này, tiếng Thái gọi là “cay”, thường mọc bám vào các gờ đá ở nơi lòng suối. Món rêu đá được chế biến thành nhiều món ăn như rêu hấp, canh rêu, rêu nướng, rêu xào, nộm rêu”.
Với giá 40.000 đồng/kg rêu tươi, 20.000/túi rêu nướng, trung bình mỗi ngày chị Lò Thị Viên cũng như những chị em khác cũng kiếm được hơn trăm nghìn. Những ngày đông khách, bán được từ 200.000 đến 300.000 đồng một ngày.
Trong các món kể trên, hấp dẫn nhất vẫn là món nướng và món nộm với hoa “bók píp”. Với món nướng, sau khi hái được rêu về đem ngâm vào nước rồi rũ, vò, đập cho hết cát sạn. Rũ đến khi nào nước trong đáy chậu trong, sạch không còn tạp chất thì lấy những mẻ rêu non bỏ vào lá chuối, thêm vào ít gia vị gồm có mắc khén, hành, thì là, ớt, muối, mì chính rồi đặt cạnh bếp than hồng đỏ rực nướng lên đến khi gói rêu tỏa lên mùi thơm phức là dùng được.
Bà con nơi đây kể lại, thời trước rêu đá trên dòng sông Mã nhiều vô kể. Người dân chỉ cần làm rổ đan bằng tre, nứa đặt giữa lòng, sáng ngủ dậy chỉ việc đi vớt lên để ăn. Ngày nay, cùng với quá trình đô thị hóa nhiều nhà cao tầng được mọc lên, tình trạng khai thác cát tràn lan, người dân xả thải nước sinh hoạt một cách vô ý thức, khiến số lượng rêu đá đang dần dần biến mất.
Chia sẻ về hành trình đi “săn” rêu đá, chị Lò Thị Uơm – bản Chiềng Cang, xã Chiềng Cang, thổ lộ: “Rêu đá có nhiều vào mùa đông và mùa xuân. Vào mùa này, để hái được những mẻ rêu sạch và ngon không hề đơn giản chút nào. Chúng tôi phải men theo các dòng suối ở sâu trong rừng và ngâm https://suongshop.com/duong-vat-gia/ mình hàng tiếng đồng hồ dưới nước. Với cái lạnh rét buốt ở vùng cao như này, người nào, người nấy đều run cầm cập. Chưa kể trong quá trình thu hái giẫm phải những hòn đá trơn trượt ngã xuống khiến bắp tay, bắp chân chúng tôi bị bầm tím, trầy xước hết”.
Theo các già bản người Thái ở đây kể, rêu đá là món ăn rất mát, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, đẹp da, hạ huyết áp… Rêu không trồng được mà tự mọc và sống ở các lòng sông, suối có nguồn nước sạch. Họ quan niệm, rêu là món quà của đất trời ban tặng. Nên nhiều gia đình thường lấy rêu non về phơi khô dùng trong các dịp trọng đại như ngày Tết, ngày lễ, cưới hỏi…
Lên Sơn La mùa này mà được thưởng thức món rêu đá nướng bên bếp lửa hồng với các món đặc sản khác như pa pỉnh tộp, thịt trâu gác bếp, rau rừng, thịt thối, chuột núi,… cùng sự hiếu khách của bà con người Thái ở đây thì quả là hết ý.