Được coi là một trong những loài thủy sinh kỳ lạ bậc nhất thế giới, loài cá đặc biệt này có thể sống trong điều kiện thiếu nước và thức ăn trong một khoảng thời gian dài.
Cá phổi (lungfish) còn được biết đến với tên gọi salamanderfish, là một trong những loài cá nước ngọt nổi tiếng nhất thế giới nhờ khả năng sống tốt trong điều kiện khan hiếm nước trong nhiều tháng, thậm chí trong nhiều năm. Người ta đã từng tìm thấy một chú cá phổi kiểu này sống được tới 4 năm khi bị mắc kẹt trong bùn khô.
Để làm được điều đặc biệt này, đúng như tên gọi của chúng, cá phổi có một hệ thống hô hấp phát triển cao hơn rất nhiều những loài cá khác. Hệ thống này cho phép nó có thể lấy thẳng oxy từ không khí giống như các động vật sống trên mặt đất. Trên thực tế, một số loài cá phổi do thường xuyên hít thở không khí mà dần dần mất đi chức năng của mang, hệ quả là trong khi chúng vẫn sống chủ yếu trong môi trường nước, chúng vẫn cần phải thường xuyên ngoi lên mặt nước để tiếp xúc với không khí nếu không muốn gặp rắc rối. Nhiều con cá thậm chí có thể bị chết nếu ở dưới nước trong một thời gian quá dài.
Một con cá phổi trong chiếc tổ bên ngoài hang của nó.
Cá phổi có cơ thể thon dài gần giống như cá chình, với xương ức và vây bụng dài giúp chúng bơi và bò dọc theo đáy của các đầm phá. Chúng thường sống ở vùng nước nông, như khe vũng và đầm lầy, nhưng đôi khi người ta cũng tìm thấy chúng trong các hồ lớn.
Khi đầm có đủ nước, cá phổi hoạt động giống như bất kỳ loài cá nào khác, bơi lội trong vùng nước, ăn cá nhỏ và động vật giáp xác dưới đáy đầm. Đến mùa khô, cá phổi chui sâu xuống bùn bằng cách đớp bùn vào miệng và cho thoát ra đằng sau qua mang của nó. Sau khi đã xuống đến một độ sâu mà chúng cảm thấy thoải mái, chúng sẽ ngừng đào và tiết ra một chất nhầy qua da. Chất nhầy này sau đó sẽ cứng lại để tạo thành một cái kén bảo vệ xung quanh nó, ngoại trừ phần miệng để hở cho mục đích hô hấp.
Đây chính là trạng thái ngủ đông của nó. Trong trạng thái này, cá phổi sẽ giảm mọi nhu cầu trao đổi chất xuống mức thấp nhất và sống dựa vào các mô cơ ở đuôi. Không chỉ làm chậm quá trính trao đổi chất, chúng còn có khả năng chuyển đổi chất thải gốc protein thành u-rê, 1 dạng chất thải ít độc hơn thay vì amôniắc (bình thường cá phổi thường thải gốc ni-tơ ở dạng amôniắc trực tiếp vào nước).
Một loài cá phổi đốm bụng tại Nhật Bản.
Khi nước đầm có trở lại, bùn sẽ mềm ra và cá phổi sẽ luồn lách ra khỏi hang của nó. Một số nghiên cứu cho rằng cá phổi đủ khả năng ngủ đông trong bùn khô với thời gian lên tới bốn năm. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cũng tìm được hành vi giấu mình trong bùn khi gặp môi trường khắc nghiệt ở một nhóm cá phổi đã hóa thạch, là họ Gnathorhizidae. Người ta cho rằng việc giấu mình trong bùn là khả năng cá phổi được thừa hưởng từ tổ tiên trước đó hàng triệu năm.
Cơ chế đào hang của cá phổi.
Mô hình cá phổi ngủ đông trong hang
Cho đến nay, cá loài cá phổi chỉ được tìm thấy ở Châu Phi, Nam Mỹ và Úc. Tại Châu Phi, người dân địa phương thường đào các đáy ao, đầm vào mùa khô để bắt chúng. Nó được cho là có hương vị khá đặc trưng nhưng không phải ai cũng thích những món ăn từ chúng.