Muốn sớm có cao tốc Bắc-Nam phải làm nhanh GPMB

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam, các địa phương cần phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. 

DSC_1927

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường vị trí xây dựng hầm Thần Vũ để tìm phương án tối ưu cho tuyến cao tốc Bắc Nam

Ngày 2/2, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đã kiểm tra hiện trường và làm việc với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để thống nhất phương án xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh). 

Theo Nghị quyết số 52 của Quốc hội, giai đoạn 2017 – 2020 sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng trước 654km cao tốc Bắc Nam ở các đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) – Dầu Giây (Đồng Nai). Tổng mức đầu tư dự kiến 118.716 tỷ đồng. Thời hạn dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Báo cáo đoàn công tác và lãnh đạo các tỉnh, đại diện tư vấn thiết kế dự án – TEDI cho biết: Hướng tuyến hiện tại cơ bản trùng với phương án trước đây Bộ GTVT và các địa phương đã thống nhất. Tuy nhiên, do sự phát triển các khu dân cư có nhiều điểm thay đổi, ảnh hưởng đến công tác GPMB và phải điều chỉnh thêm về hướng tuyến, vị trí nút giao. Đơn cử như: Vị trí hầm Thần Vũ (Diễn Châu, Nghệ An) phương án trước đây phải làm 2 hầm cắt qua núi dài 2.500m, hiện đã điều chỉnh giảm theo phương án mới còn hầm dài khoảng 800m. Nắn tuyến để giảm chi phí GPMB ở một số vị trí. Các nút giao trên tuyến liên thông với các tuyến đường hiện hữu, kết nối phát triển mạng lưới giao thông tại địa phương, đảm bảo cự ly từ 15 – 25km.

Ông Triệu Khắc Dũng – Phó Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA 6 đã triển khai rà soát điều chỉnh hướng tuyến, nút giao phù hợp với địa hình, địa vật, khu vực dân cư của từng địa phương để thống nhất hệ thống đường gom và cống chui dân sinh. Bên cạnh đó, đề nghị các tỉnh có đường cao tốc đi qua giúp đỡ tổ tư vấn kiểm tra các mỏ vật liệu, trữ lượng vật liệu, chất lượng vật liệu và quy hoạch vị trí bãi thải. Đối với các tuyến đường vận chuyển sử dụng đường công vụ, đường địa phương, Bộ sẽ có phương án hoàn trả sau khi xây xong tuyến cao tốc Bắc Nam. Đồng thời, đề nghị các tỉnh xây dựng chính sách, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân để đẩy nhanh công tác GPMB.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ GTVT cần khảo sát hướng tuyến, nút giao hợp lý tránh các khu vực điện cao thế, khu dân cư và có phương án trả lại đường công vụ cho địa phương sau khi hoàn thành dự án. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT sớm khảo sát mỏ đất, trữ lượng mỏ, quy hoạch bãi thải để địa phương có phương án cấp hợp lý. Dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong công tác GPMB, vì thế chúng tôi đề nghị Bộ GTVT có ý kiến để các tỉnh có đường cao tốc đi qua có chung mức giá đền bù.Thay mặt tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tuyến cao tốc Bắc – Nam có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tỉnh coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì thế sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, Tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh giao cho Phó chủ tịch Huỳnh Thanh Điền làm trưởng ban, Sở GTVT và các ngành liên quan phối hợp thực hiện. Còn ở cấp huyện sẽ giao cho một phó chủ tịch trực tiếp kiểm tra, đôn đốc nhằm đẩy nhanh công tác GPMB để tuyến đường cao tốc Bắc-Nam hoàn thành đúng tiến độ.

Về phía Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Bộ GTVT kêu gọi nhà đầu tư triển khai sớm đoạn cao tốc từ Bãi Vọt vào Vũng Áng. Vì khu vực này là vùng trọng điểm kinh tế, trong một vài năm tới sẽ là vùng có mật độ phương tiện rất lớn. Đề nghị tư vấn TEDI bổ sung vào thiết kế nút giao cắt ở Kỳ Trung (Kỳ Anh), bởi đây là trung tâm hành chính của huyện Kỳ Anh. Một khi có đường cao tốc, tỉnh cam kết sẽ bỏ kinh phí xây dựng riêng một tuyến đường để nối từ QL1 lên cao tốc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, yêu cầu quan trọng nhất trong giai đoạn này là phải rà soát kỹ, thống nhất được với địa phương về các vị trí nút giao, đường gom, hầm chui dân sinh. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị địa phương “xắn tay” cùng Bộ GTVT thực hiện sớm phần việc này.

Riêng về vấn đề mặt bằng, Thứ trưởng Nhật đề nghị UBND các tỉnh nơi dự án đi qua, quan tâm chỉ đạo tích cực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên của địa phương. Quá trình kiểm kê, áp giá, chi trả bồi thường GPMB cho dân phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch và đảm bảo tính công bằng… Theo Thứ trưởng Nhật, muốn dự án về đích sớm thì tiên quyết vẫn là giải phóng mặt bằng.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng yêu cầu tư vấn TEDI tiếp tục rà soát toàn tuyến, đưa ra phương án tối ưu nhất, trên tinh thần vừa tiết kiệm chi phí đầu tư dự án, vừa đảm bảo tính hiệu quả lâu dài.

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/muon-som-co-cao-toc-bac-nam-phai-lam-nhanh-gpmb-d242927.html

 

Bài Viết Liên Quan