Người giàu có nhiều tài sản tài chính, trong khi người bình thường chuộng đổ tiền vào nhà ở.
Những người như Bill Gates, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg cực kỳ giàu có. Hiển nhiên họ là những doanh nhân vĩ đại, có những ý tưởng đúng thời điểm. Nhưng quan trọng hơn cả, khi công ty của họ thành công, họ cũng sở hữu được lượng cổ phiếu lớn.
Cổ phiếu là loại tài sản rủi ro và có biến động giá lớn nhất thế giới. Nhưng dĩ nhiên, đà tăng giá của nó, trên lý thuyết, cũng là vô hạn. Vì thế, những người có tài sản lớn nhất hành tinh chủ yếu đều nhờ lượng cổ phần sở hữu.
Cổ phiếu cũng đang khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Năm 1980, 5% người giàu nhất Mỹ sở hữu nửa tài sản quốc gia. Nhưng đến 2012, họ đã nắm hai phần ba.
Một trong những lý do tài sản thường tập trung ở người giàu là bất bình đẳng thu nhập gia tăng. Những người kiếm được nhiều hơn thì cũng tiết kiệm được nhiều hơn và gây dựng được khối tài sản lớn theo thời gian. Những người thu nhập cao cũng có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn người bình thường, khiến tốc độ tích lũy tài sản càng chênh lệch.
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần câu chuyện. Một yếu tố quan trọng khác thường bị bỏ qua là tài sản tài chính. Người giàu có xu hướng nắm phần lớn cổ phiếu trong nền kinh tế. Điều này có nghĩa khi các công ty làm ăn tốt, họ sẽ được hưởng lợi lớn.
Một lý do khác là người bình thường đổ rất nhiều tiền vào nhà ở. Dĩ nhiên, nhà sẽ cho lợi nhuận thấp hơn cổ phiếu. Một nghiên cứu của nhà kinh tế tại Đại học New York – Edward Wolff cũng khẳng định người giàu để ít tiền tại nhà đất, trong khi đổ nhiều tiền vào cổ phiếu cũng như các tài sản tài chính khác.
Nhìn chung, người giàu nắm tài sản trong nền kinh tế dưới dạng cổ phiếu. Trong khi đó, đà tăng tài sản của người bình thường bị hạn chế bởi sự tăng trưởng chậm chạp của bất động sản. Wolff tìm ra việc vỡ bong bóng bất động sản cũng khiến bất bình đẳng thu nhập gia tăng, do cổ phiếu hồi phục nhanh hơn nhà đất.
Các nhà kinh tế học cho rằng sở hữu cổ phiếu là nguyên nhân lớn gây ra bất bình đẳng thu nhập. Vì thế, các nước có thể áp dụng nhiều chính sách để ngăn việc này.
Một là khuyến khích người bình thường tăng đổ tiền vào cổ phiếu và giảm đổ vào nhà đất. Ngừng các loại hỗ trợ liên quan đến vay mua nhà có thể khiến họ chuyển từ mua nhà sang thuê. Số tiền dư ra có thể được chuyển sang mua cổ phiếu.
Một cách khác mạnh tay hơn là chính phủ trực tiếp nắm chứng khoán, và phân phối tiền cho người dân. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang thực hiện việc này, thông qua chương trình mua lại chứng khoán (nới lỏng định lượng), nhằm kích thích nền kinh tế.
Một ý tưởng khác là lập quỹ đầu tư quốc gia, mua cả cổ phiếu trong nước và mua cổ phiếu nước ngoài, sau đó phân phối lợi nhuận nếu Chính phủ thấy cần thiết. Rủi ro của chương trình này là nó có thể bóp méo quyết định của doanh nghiệp hoặc khiến các ngành công nghiệp kém cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, nếu Chính phủ chỉ lấy cổ phần nhỏ và không thực thi quyền bỏ phiếu, nhà đầu tư cá nhân vẫn có thể yên tâm.